Xu hướng Ăn dưới trăng, ngủ dưới sao, lang thang khắp cùng trời cuối đất đang là phong cách sống của những người “ưa xê dịch” ham trải nghiệm khám phá, thích tự do. Thay vì thuê nghỉ ở những khách sạn đẹp nhiều sao, những resort hạng sang thì giờ nhiều người lại thích những chuyến đi gần gũi với thiên nhiên, sống du mục ngay trên chiếc xe của mình với quan niệm “nhà là nơi bạn tắt động cơ xe”. Cùng NhaGoTot.com tham khảo Camper Vans / Mobi House – Xu hướng nhà di động cho du lịch khám phá tại Việt Nam.
Motor home đã quá quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, xu hướng sử dụng “căn nhà di động” trên 4 bánh mới bắt đầu rộ lên vài năm gần đây.
Trong những cuộc triển lãm xe nhiều năm qua, môt số hãng xe đã nhanh nhạy giới thiệu những dòng xe motor home cung cấp đầy đủ các tiện nghi thiết yếu cho cuộc sống môt gia đình nhỏ. Tuy nhiên, mục đích chính là để khoe công nghệ, và để tăng tính hấp dẫn cho gian hàng, bởi cũng chẳng có mấy ai có nhu cầu mua xe này, người Việt vốn quen quan niệm an cư lập nghiệp.
Hơn nữa một chiếc xe như vậỵ ở nước ngoài có dành cho các gia đình mua với mục đích giải trí hoặc chưa có điều kiện mua nhà. Tại Việt Nam do phải nhập khẩu hoàn toàn và chịu thuế khá cao nên có giá bán hơn cả một căn hộ đẹp.
Đam mê không thể kìm hãm, bởi vậy nhiều người đã tự cải tiến chiếc xe của mình thành một chiếc motor home để phục vụ cho các chuyến du lịch gia đình hay thỏa ước mơ du mục thời @.
Motor home là gì?
Thực chất motor home là dòng xe RV, viết tắt của Recreational Vehicle, hay còn gọi là “nhà xe”. Thông thường những mẫu xe này được thiết kế như một ngôi nhà tiện nghi có thể di chuyển và chúng cũng được chia phân hạng.
RV Class A là hạng lớn nhất và cũng đắt nhất, có chiều dài từ 9 đến 14m, ngang với một chiếc xe buýt loại lớn. Xe chạy máy xăng hoặc máy dầu, thùng xe được thiết kế đặc biệt để trang bị nội thất. Trên xe có đầy đủ không gian chức năng của một ngôi nhà bình thường, như phòng khách, nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ… Xe có hệ thống điện, nước nhỏ gọn, hiện đại.
RV hạng A có thể nới rộng không gian sinh hoạt bằng cách mở mái che bên hông hoặc trượt một số bộ phận trong xe ra bên ngoài bằng hệ thống thủy lực, thích hợp với gia đình 4 đến 6 người.
RV Class B hay còn gọi là Van Camper, dài từ 6 đến gần 8m. Xe thường không có sự phân chia giữa cabin và khu vực sinh hoạt và có thể mở rộng từng phần hoặc lắp thêm những tấm bạt che nắng mưa phục vụ cho các hoạt động ngoài trời của chủ nhân.
Trên xe trang bị khu bếp, buồng tắm, giường ngủ nhỏ gọn. Ghế lái và ghế bên cạnh có thể xoay ngược lại làm thành ghế ngồi của bàn làm việc hay bàn ăn. Với quy mô nhỏ, RV Class B hợp với gia đình 4 người trở xuống.
Một số thương hiệu xe RV Class B chuyên dụng phổ biến tại Mỹ là Roadtrek, Airstream, Advance RV, Free Spirit, Gulf Coast hay Sportmobile… Các mẫu xe như Toyota Hiace, Ford Transit hay Mercedes-Benz Sprinter cũng có thể cải tiến thành RV.
RV Class C hay còn gọi là Mini Motorhome. Trên mui xe có thiết bị dùng làm chỗ ngủ (cab-over bunk). Sườn xe thiết kế dựa trên khung xe vận tải hạng nặng, có chiều dài từ 6 đến 13m, nặng từ 4,5 đến 6,8 tấn.
Giống như Class A, xe có đầy đủ không gian sinh hoạt như một ngôi nhà bình thường nhưng nhẹ hơn.
Ngoài ra còn có Trailer là nhà có bánh xe với đầy đủ các trang bị và tiện ích gia đình nhưng không có động cơ đi kèm mà phải kéo. Tùy theo kích thước mà được kéo bằng đầu kéo container loại lớn hoặc bằng những chiếc SUV cỡ lớn, cũng thường được kéo bằng một chiếc hatchback hoặc sedan. Những ngôi nhà di động kiểu này rất phổ biến trên thế giới nhưng hiện còn khá xa lạ với người Việt Nam.
Đắt quá thì ta tự làm … Nhưng chỉ dành cho dân Pro
Với giá tương đương một căn hộ cao cấp thì việc mua một chiếc RV quả thực là một ý tưởng bất hợp lý so với phần đông người Việt. Tuy nhiên, đam mê thì luôn thôi thúc, bởi vậy không dân chuyên nghiệp, có nghề đã tự mua một chiếc xe về để chế thành RV. Đó cũng là lý do mà những diễn đàn về motor home, camping car, đang nở rộ trên mạng xã hội và thu hút rất đông thành viên tham gia, thảo luận.
Từ một mẫu Transit cũ chiếc xe đã được hoán cải thành một ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Hà My
Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là mẫu xe RV của cặp vợ chồng trẻ người Buôn Mê Thuột, Duy Tân và Hà My. Thích xe hơi lại ham xê du lịch nên đôi trẻ này đã mua một chiếc xe cũ về cải tạo lại. Chiếc Ford Transit 16 chỗ đã được hoán cải thành 3 chỗ và phần sau để chở đồ. Nên trong thời gian nghỉ vì dịch, Tân và My đã quyết định tự “xây” cho mình căn nhà di động trên chiếc xe cũ mua với giá 120 triệu đồng này.
Không thay đổi gì về động cơ, máy móc, Tân chủ yếu chỉ đầu tư về nội thất. Tham khảo trên mạng các mẫu xe và cách làm Tân dã lắp cho chiếc xe 1 phòng ngủ, căn bếp nhỏ, toilet,tủ quần áo và cả bàn làm việc và màn chiếu phim. Nguồn điện sinh hoạt được cấp từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Sau 1 tháng, căn nhà cũng đã hoàn thiện, với chi phí khoảng 100 triệu đồng, Duy Tân và Hà My đã nhanh chóng thực hiện ước mơ xuyên việt cùng cậu con trai nhỏ trên chiếc motor home xinh xắn của mình.
Trước đó, dân chơi xe Sài Gòn cũng kháo nhau về chiếc xe vanlife được cải tạo từ mẫu Mercedes Sprinter. Chiếc xe được làm lại nội thất ốp gỗ sang trọng. Hàng ghế phía sau được dỡ bỏ để dành cho giường ngủ. Đặc biệt, chủ xe đã lắp cho chiếc giường hệ thống nâng lên hạ xuống bằng điều khiển để tận dụng không gian trong xe.
Trên xe cũng có một góc nhỏ để dành cho việc nấu nướng và đồ dùng đều được giấu gọn khéo léo trong các ô kéo. Khi đi dã ngoại, người sử dụng vẫn thoải mái tắm rửa nhờ hệ thống nước sinh hoạt có dung tích 70 lít, được giấu kín trên xe.
Bên ngoài chiếc xe là một tấm mái di động, như một mái lều để ngồi thư giãn, nấu nướng. Thậm chí còn có 1 căn phòng di động trên nóc xe nhờ hệ thống ba ga có thể gắn lều mini lên trên. Nguồn điện sinh hoạt trên xe sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời đủ để xem phim, nghe nhạc, làm việc, thậm chí là hát karaoke.
Chi phí cho việc độ xe là khoảng 200 triệu đồng và chiếc xe có thể chở được 5 người cùng 850kg hàng hóa.
Cũng với đam mê du lịch bụi và yêu thích xe hơi, một chủ doanh nghiệp nội thất ở TP HCM, không ngần ngại đầu tư cùng lúc 2 chiếc mobihome với chi phí không quá cao. Một chiếc mobihome được cải tạo từ xe Volkswagen Syncro 2 cầu đời 1989 với giá hơn 400 triệu đồng và chi phí tự mua đồ lắp đặt gồm bạt che, tấm pin mặt trời, bình trữ điện, giường, tủ lạnh, bình chứa nước, vòi sen, ốp gỗ thông… chỉ hơn 26 triệu đồng.
Chiếc mobihome còn lại được cải tạo từ xe địa hình Land Cruiser đời 1999 giá 350 triệu đồng và cũng lắp đặt nội thất, tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình với giá chưa đến trăm triệu. Ông chủ còn mạnh bạo chi thêm 100 triệu đồng để làm lại máy, thay cản, vỏ xe, phuộc, mâm, thước lái. 2 chiếc motorhome của anh đều được dân chơi xe xuýt xoa vì vừa tiện nghi, chi phí lại quá hời.
Ưu và nhược điểm của xe RV
Sau một chặng đường xa, người lái có thể dừng tại đâu đó tùy thích, trong rừng xanh, bên bờ suối hay bãi biển hoang vắng… và được tắm nước nóng, được cạo râu trong khi nghe radio mà chẳng cần thuê phòng trọ. Không chỉ vậy cuộc sống còn trở nên vô cùng thú vị bởi được giao lưu với nhiều người, được trải nghiệm những điều mới mẻ. Như thế, còn ngại gì mà không làm một chuyến phiêu lưu dài ngày trên một chiếc xe hơi có đầy đủ tiện nghi.
Motor home có điện nước đầy đủ, việc tắm rửa vệ sinh sẽ dã chiến như này.
Tuy nhiên, motor home cũng có nhiều bất tiện, ấy là không gian sinh họa khá chật hẹp. Ngoài ra ẩm mốc và đọng nước là hai cái bệnh chính của dòng xe này. Việc thường xuyên nấu nướng, tắm rửa sẽ dẫn tới tình trạng hơi nước tồn đọng, chưa kể đến hơi ẩm máy lạnh, hơi thở, cũng có thể làm cho một chiếc RV xịn sò nhất phát triển ẩm mốc, ám mùi.
Những mẫu xe nên độ RV
Trên diễn đàn độ xe, các thành viên chia sẻ rằng, việc độ xe sang dòng RV ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở các mẫu xe Van nên những dòng xe cở sở thường được chọn là Ford Transit hay Merc Sprinter vì không gian vừa rộng vừa không bị mang tiếng chế thùng xe.
Những mẫu xe bán tải như Ford Ranger hay KIA Sedona có thể độ thành RV với dáng vẻ mạnh mẽ, nhiều tính năng đính kèm. Nếu tự cải tạo thì chi phí để độ xe thường từ 200 đến 500 triệu đồng, còn thuê các gara thì chi phí sẽ cao hơn, có mẫu xe lên đến hơn tỷ đồng bởi thiết kế cầu kỳ, phức tạp, chưa kể, nhiều vật dụng phải đặt hàng từ nước ngoài.
Tính pháp lý: khó nhưng không phải không thể
Theo Luật giao thông, chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tính năng của xe so với thiết kế của nhà sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc cải tạo phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô để bảo đảm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, để được kiểm định, chủ xe phải làm thủ tục xin cải tạo, làm bản thiết kế gửi đến Sở Giao thông Vận tải hoặc Cục Đăng kiểm để được xem xét.
Tuy nhiên, chủ xe muốn tiến hành lắp đặt thêm các tiện nghi trong xe thì phải thuê một đơn vị đã đăng ký ngành nghề với chức năng thiết kế. Chủ nhiệm đồ án thiết kế phải có chứng chỉ theo quy định của pháp luật về thiết kế, cải tạo xe. Hồ sơ đăng ký được gửi đến Cục Đăng kiểm để được thẩm định, phê duyệt làm cơ sở lắp đặt cải tạo. Sau đó, liên hệ Trung tâm Đăng kiểm để kiểm định bảo đảm an toàn thì mới được phép lưu thông.
Nguon DanViet